Nắng xưa đưa lối ta về
Trò chuyện cùng Sư cô Quy Nghiêm
Sư cô Quy Nghiêm xuất gia năm 1999 tại Làng Mai trong gia đình xuất gia Cây Anh Đào. Từ trước khi xuất gia, sư cô đã được biết đến qua các bài thiền ca như Từng bước chân thảnh thơi, Thanh thản nẻo đi về… với pháp danh Tịnh Thủy. Nhân dịp sư cô về thăm Làng và dự khóa tu xuất sĩ tháng 9 năm 2024, Ban biên tập (BBT) cùng một số quý thầy, quý sư cô có cơ hội ngồi chơi và nghe sư cô chia sẻ. Dưới đây là một phần trích từ buổi chia sẻ này.
BBT: Thưa sư cô, những nhân duyên nào đã đưa sư cô đến Làng và điều gì đọng lại trong sư cô nhất mỗi khi nghĩ về những ngày đầu tiên ấy?
Vào năm 1987, Quy Nghiêm đang ở Bỉ, chưa hề biết Sư Ông là ai, chưa hề biết Làng Hồng là gì. Lúc đó, có một người bạn biết Làng và muốn Quy Nghiêm về Làng cho biết. Quy Nghiêm nghe theo lời bạn và viết thư cho Sư cô Chân Không để xin về Làng. Làng Mai, thời điểm ấy có tên là Làng Hồng, được Sư Ông thành lập năm 1982 mà phải đến mùa Hè năm 1987, Quy Nghiêm mới có đủ duyên để được về Làng.
Quy Nghiêm về Làng thấy sinh hoạt ở Làng giống như một gia đình vậy. Hồi đó chỉ có một khóa tu vào mùa Hè thôi. Sư Ông cho biết lý do thành lập Làng Hồng là để có một nơi cho tất cả trẻ em người Việt sinh ra hoặc lớn lên ở nước ngoài tìm về gốc rễ và không bị quên gốc rễ của mình. Khóa tu tổ chức vào mùa Hè, vì vào thời gian ấy phần lớn các em mới được nghỉ học và có thể về tham dự.
Từ châu Mỹ, châu Âu, châu Úc, các em được gia đình tạo điều kiện tìm về Làng Hồng ở Pháp để được trao truyền về văn hóa Việt Nam. Các em được học tiếng Việt, cũng như được học về những phong tục Việt Nam như giỗ tổ tiên, lễ Trung thu, những hoạt động đặc trưng của Tết cổ truyền Việt Nam để các em được tiếp xúc với gốc rễ của mình. Đây là mục đích đầu tiên khi Sư Ông xây dựng Làng Hồng.
Trong tăng thân lúc đó có những vị là người Việt nhưng không hề biết tiếng Việt như sư cô Hương Nghiêm, thầy Pháp Dung, thầy Pháp Khâm. Sư Ông nói một người không có gốc rễ giống như một cô hồn, đi lang thang, không biết mình thuộc về đâu. Có một số vị về Làng khi còn rất nhỏ như thầy Pháp Hữu, sư cô Mẫn Nghiêm. Mùa Hè năm nào các em cũng về, được lớn lên trong môi trường ở Làng và sau một thời gian thì xin đi xuất gia.
Không khí của Làng như một gia đình Việt Nam rất ấm áp. Mọi người từ khắp nơi trở về và đến với nhau, kết nối với nhau rất dễ dàng, không hề xa lạ. Thành ra căn bản sự thực tập của Làng Mai là phải xây dựng tăng thân thành một gia đình vì không có nền tảng gia đình, mình sẽ khổ đau nhiều lắm. Khi Quy Nghiêm về Làng lần đầu tiên, có nhiều người Việt ở khắp các quốc gia cùng về, người nước ngoài cũng về. Dù văn hóa khác nhau, ngôn ngữ khác nhau nhưng sống với nhau như anh em một nhà.
Từ khi còn ở Việt Nam, Sư Ông đã có ước mơ xây dựng một đoàn thể tu học như một gia đình tâm linh sống với nhau có hòa điệu, có hạnh phúc để giúp chính mình và giúp đất nước. Tinh thần đó luôn được Sư Ông giữ gìn, bảo vệ và trao truyền. Thấy được điều này, Quy Nghiêm đã rất phấn khởi nên quyết định sẽ sắp xếp để quay lại Làng vào cuối năm 1987. Mặc dù chưa biết sẽ đi bao lâu và cũng không biết trở lại để làm gì, nhưng có một tiếng gọi gì đó rất thiêng liêng, thôi thúc đưa mình về đó.
Trong những năm đầu, ở Làng Mai rất ít người, ngoài Sư Ông là xuất sĩ, còn lại hoàn toàn là cư sĩ. Lúc đó, sư cô Chân Không và sư cô Chân Đức còn chưa xuất gia. Cuối năm 1988, hai sư cô mới xuất gia cùng với một sư cô nữa là sư cô Chân Vị. Đó là ba vị đệ tử xuất gia đầu tiên của Sư Ông ở Làng. Bên cạnh đó còn có hai vị đến từ Thụy Sĩ là thầy Đại Nghĩa bây giờ, với bạn đời của thầy ấy, cũng từng là sư cô ở đây. Họ là những cánh tay giúp Sư Ông và sư cô Chân Đức rất đắc lực trong những bước đầu xây dựng Làng Mai.
Làng lúc đó không được như bây giờ. Đời sống rất bình dị, thanh bần, ăn uống rất đơn giản và cũng không có hệ thống sưởi để sưởi ấm trong mùa đông lạnh giá. Rừng núi còn hoang vu lắm. Vậy mà không hiểu sao mình về Làng lại thấy rất hạnh phúc, không hề có một ý niệm gì về thiếu tiện nghi hết. Vốn dĩ đó là nông trại cũ được mua lại, toàn là những chuồng bò cho nên khi về đó mình phải làm việc, phải xúc phân bò ra. Thời gian đó mọi người đều làm việc rất nhiều để xây dựng Làng Mai.
BBT: Thưa Sư cô, bắt đầu từ năm nào thì Sư Ông dạy quý thầy, quý sư cô làm nhạc?
Khi Quy Nghiêm về Làng năm 1988, Sư Ông chưa dạy sáng tác nhạc. Hồi đó, Sư Ông cũng ở Sơn Cốc như bây giờ nhưng Sư Ông thường xuyên đến sinh hoạt cùng mọi người: ăn cơm, đi thiền hành. Sư Ông hay kể chuyện nhưng Sư Ông không hề nói gì về hành trình của Sư Ông trước đây. Lúc đó cũng không có sách vở nào viết về Sư Ông nên mình hoàn toàn không biết gì về Sư Ông hết. Vậy mà sống với nhau, tình thầy trò rất đậm đà. Giống như Sư Ông nói, không phải tình cờ mà gặp nhau đâu, chúng ta đã có những liên hệ nào đó trong kiếp trước nên hiện tại nhân duyên đưa mình gặp lại nhau thôi. “Nắng xưa đưa lối ta về, mơ xưa đoàn tụ trời quê ấm lòng”. Đúng vậy, có duyên nên mình mới gặp nhau. Dù chẳng hề biết gốc gác gì của nhau mà vẫn thấy rất ấm áp.
Chỉ có bao nhiêu người đó thôi mà thời khóa vẫn giống như bây giờ: thức dậy sớm ngồi thiền, đọc kinh, đi thiền hành, chấp tác, pháp đàm,… Chừng đó người thôi mà cũng thay phiên nhau nấu ăn, dọn dẹp,… làm đủ việc như bây giờ không khác. Mọi sinh hoạt đều dưới sự hướng dẫn của sư cô Chân Đức. Lúc đó, không gian của nhà bếp xóm Hạ rất nhỏ, đó vừa là nơi nấu ăn, vừa là nơi ăn cơm, mà cũng là nơi Sư Ông dạy học. Mỗi lần Sư Ông dạy học là phải dẹp ghế, sắp đặt lại hết. Trong nhà chỉ có một lò sưởi rất cũ, đốt bằng củi cho nên mọi người phải vô rừng lượm củi. Thường thường củi không khô lắm cho nên mù mịt cả phòng. Tuy vậy, ai ai cũng rất hạnh phúc. Đời sống đơn giản hết sức mà hạnh phúc vô cùng. Không có ai than thở về tiện nghi cả, lạ lùng vậy đó.
Trong một buổi ngồi chơi, Sư Ông nói: “Ai muốn ở lại Làng thì phải biết hát. Muốn ở lại Làng mà không biết hát, không biết làm nhạc là không được”. Trước khi Quy Nghiêm đến Làng, chưa hề làm nhạc bao giờ hết. Khi về Làng, lần đầu tiên được nghe bài Ý thức em mặt trời tỏ rạng do cô Hà Thanh trình bày, Quy Nghiêm cảm thấy chấn động, thấy tình yêu quê hương trong mình dạt dào. Qua bài hát, Quy Nghiêm cũng cảm được tấm lòng của Sư Ông đối với dân tộc. Sư Ông nói bài hát này Sư Ông làm ra khi bất ngờ nghe tin mình không được trở về quê hương nữa. Lúc đó, khi ra nước ngoài để kêu gọi hòa bình và chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, Sư Ông chỉ chuẩn bị tinh thần đi một vài tháng thôi. Tất cả bạn bè thân thuộc, tăng thân của Sư Ông đều ở Việt Nam nên khi nghe tin không được trở về nữa, Sư Ông cảm thấy rất choáng váng, giống như cây bị bứng khỏi gốc rễ.
Sau này Sư Ông kể rằng suốt năm ngày sau khi nhận được tin, Sư Ông không chia sẻ với ai, chỉ đi thiền hành và thở thôi, không suy nghĩ gì khác. Thực tập miên mật như vậy Sư Ông mới lấy lại được bình tĩnh. Đó là vào năm 1966, khi Sư Ông bốn mươi tuổi và đã tu hơn hai mươi năm. Thành ra dù chúng ta có tu tập bao lâu cũng đừng coi thường chuyện trở về với hơi thở, với từng bước chân để lấy lại sự bình an. Trong bài hát Ý thức em mặt trời tỏ rạng, Sư Ông gợi lại hết tất cả những hình ảnh của quê hương để nuôi dưỡng mình. Ở nước ngoài, mọi thứ xung quanh rất xa lạ, nhờ vào tình yêu thắm thiết đối với quê hương và dân tộc giúp cho Sư Ông vượt qua tất cả. Đó là tinh thần của một người chiến sĩ.
Bài hát có câu “Bàn tay em gieo hạt cho mùa sang năm” khiến ta nhớ đến hình ảnh người gieo hạt lúc trời sẩm tối trong lời dạy về tâm của thiền sư Khương Tăng Hội. Ngài nói trong tâm ta có đủ loại hạt giống. Khi không thực tập chánh niệm, không ý thức được những gì đang làm, đang suy nghĩ, đang nói thì ta cũng giống một người đi gieo hạt trong bóng đêm, gieo tứ tung. Còn khi có tu tập, ý thức ta sẽ thắp sáng giống như mặt trời tỏ rạng. Khi đó, ta mới biết nên gieo hạt gì hay tưới tẩm hạt giống gì vào tâm thức. Chúng ta tương tức nên tất cả những lời nói, hành động, và suy nghĩ của ta đều ảnh hưởng lên mọi thứ xung quanh. Khi hiểu được ý nghĩa của tương tức, ta trở nên cảm thông, không đi gieo hạt tứ tung trong bóng đêm như ngài Khương Tăng Hội nói. Vậy nên mỗi lần hát bài này Quy Nghiêm cảm động lắm, thấy như một lời cảnh tỉnh bản thân vậy đó.
Qua bài hát, ta thấy được mình chỉ là một phần của tất cả những cái đang có mặt, tất cả mọi người đang có mặt. Chúng ta được nuôi lớn bởi tổ tiên tâm linh, tổ tiên huyết thống và tổ tiên đất đai. Khi làm ra một bài hát, ta thấy đó không phải là sản phẩm của riêng mình mà là sản phẩm chung của tất cả những đóng góp từ ngàn xưa tới ngàn nay.
Cách ta nói “bài hát của tôi” chỉ là nói trên phương diện tích môn, với ý thức là chữ “tôi” đó được làm bằng rất nhiều cái “không phải tôi”. Với ý thức tỏ rạng như vậy, dù ta có nói bài hát của tôi hay em tôi, nhà tôi, gia đình tôi, tăng thân tôi thì ta cũng không bị kẹt vào chữ “tôi” đó và không còn mặc cảm hơn, kém, bằng nữa. Bằng cách thắp sáng ý thức trong sự thực tập ta vượt thoát được tất cả những vọng tưởng sai lầm; nếu không ta sẽ cứ loay hoay, làm người đi vòng quanh, như Sư Ông từng nói: “Dù có ở bao nhiêu năm trong tu viện, tu bao nhiêu năm đi nữa, ta vẫn cứ luẩn quẩn trong những mặc cảm hơn, kém, bằng, rất tội nghiệp cho mình và cả cho đại chúng”.
BBT: Thưa Sư cô, bài hát đầu tiên mà Sư cô sáng tác là bài gì ạ?
Quy Nghiêm được ở gần Sư Ông rất gần gũi, thân tình, không có một sự ép buộc hay gượng ép nào từ phía thầy cũng như trò. Thầy trò sống rất dễ thương với nhau cho nên bài đầu tiên Quy Nghiêm làm là bài Thanh thản nẻo đi về mà mọi người hay gọi là Nhìn Thầy lòng thanh thoát. Bài hát này ra đời rất tự nhiên vào một hôm sau khi nghe Sư Ông hỏi: “Tịnh Thuỷ đã làm được bài hát nào chưa? Có thì mới được ở lại Làng đó nhé”.
Còn bài Cây sồi năm xưa ra đời bởi sự kiện cây sồi cổ thụ mà Sư Ông rất thương bị ngã xuống vào một năm bão to. Lúc đó, sắp sửa vào khóa tu mùa Hè, rất nhiều cây lớn bị ngã, có những cây sồi cổ thụ còn bị chặt đôi. Khu nhà Đồi Mận mới bắt đầu xây dựng cũng bị bay luôn cả mái ngói. Sư Ông nói với Quy Nghiêm: “Thầy muốn đi thăm một cây sồi rất nhiều tuổi rồi mà Thầy rất thương” rồi đi về phía sau mảnh đất mà bây giờ trở thành thiền đường Hội Ngàn Sao.
Hai thầy trò lên ngồi với nhau trên thân cây sồi lớn đã ngã và Sư Ông nói: “Con làm một bài hát cho cây sồi đi”. Bài hát ấy đã ra đời như vậy. Trong bài hát có câu: “Tôi vẫn khóc một ngày kia khi cây nằm xuống dù bao nhiêu cây khác sẽ lớn lên mạnh mẽ hơn, tôi vẫn khóc…” Cũng như các sư em đều là những cây con đang tiếp tục lớn lên của Sư Ông, nhưng mà khi một cây lớn như vậy ngã xuống thì mình vẫn không thể không thấy đau lòng.
Sư Ông thích bài đó và bài thứ hai là Từng bước chân thảnh thơi. Thời đó ở Làng, những con đường đi ra ruộng chưa có những căn nhà như bây giờ mà hai bên chỉ toàn là hoa hướng dương, đẹp lắm. Sư Ông và cả Quy Nghiêm đều thực tập thiền hành trên các con đường đó rất thường. Còn bài hát Mở thêm rộng lớn con đường được Quy Nghiêm phổ nhạc từ bài thơ Sư Ông làm tặng sư cô Chân Không khi Sư cô được xuất gia trên núi Thứu vào cuối năm 1988. Từ bên Ấn Độ, Sư cô Chân Không gửi bài thơ đó về Làng cho Quy Nghiêm và nói: “Em làm bài nhạc này cho chị”. Quy Nghiêm đọc bài thơ và rất cảm động, nhưng không bắt đầu từ câu đầu tiên là “Mái tóc vốn màu gỗ quý” mà lại ra nhạc từ “Gió reo trên triền núi Thứu, lòng nay thôi hết vấn vương”. Tự nhiên câu đó ra nhạc trước, còn những câu kia ra sau.
Chúng ta cứ tu cho đàng hoàng, tưới tẩm vào mình những hạt giống tốt thì tàng thức sẽ sắp xếp một cách mầu nhiệm. Khi học về Duy biểu, ta hiểu rõ điều đó. Sư Ông nói: “Con cứ tu cho đàng hoàng, còn lại cứ để Bụt lo”. Bụt chính là tàng thức của chúng ta. Chúng ta phải biết gieo hạt giống gì cũng như tưới tẩm hạt giống nào trong tàng thức. Chỉ cần lo tưới tẩm những hạt giống tốt cho nhiều thì những hạt giống chưa tốt của ta cũng đồng thời được chăm sóc.
Lúc còn nhỏ, Quy Nghiêm có học một chút về nhạc lý, nhưng chưa hề làm nhạc và cũng chưa từng nghĩ là sẽ làm, nhất là làm nhạc về sự thực tập nữa. Vậy mà các bài hát cứ ra một cách rất tự nhiên, rõ ràng là Sư Ông đã truyền chất liệu đó cho mình. Sư Ông biết mình có những hạt giống nào thì Sư Ông sẽ tưới tẩm những hạt giống đó. Sư Ông dạy là Quy Nghiêm làm thôi, mà không hề đặt vấn đề gì với Sư Ông cả. Bây giờ Quy Nghiêm biết là có nhiều sư em làm thơ, làm nhạc hay lắm nên không để thời gian làm điều đó nữa, thế hệ mới nên làm.
BBT: Xin Sư cô chia sẻ cho chúng con về bài “Đầu cành dương liễu” mà Sư cô đã làm nhạc.
Có một buổi, Sư Ông vào phòng và đưa cho Quy Nghiêm một bản giấy viết tay của Sư Ông với hai bài có tựa đề Đầu cành dương liễu và Tây phương không xa cách. Sư Ông chỉ nói: “Con làm nhạc cho Thầy”, mà không giải thích gì thêm. Lúc đó, Quy Nghiêm không biết đó là hai bài kệ và không biết một trong hai bài có xuất xứ từ bài Tán dương Quan Âm. Tuy không biết nhưng Quy Nghiêm cứ làm và xin Mẹ Quan Thế Âm giúp nên có thể bài hát đó là do Mẹ Quan Âm làm. Thành ra Quy Nghiêm thấy đúng là mọi chuyện cứ để tổ tiên trong tàng thức mình sắp xếp.
Khi Sư Ông đưa hai bài cùng một lúc, Quy Nghiêm làm nhạc cho bài Đầu cành dương liễu trước, còn bài Tây phương không xa cách làm sau và Quy Nghiêm chỉ hát cho Sư Ông nghe một lần trên Sơn Cốc thôi. Cho đến trong dịp tưởng niệm Sư Ông vừa rồi, lần đầu tiên đại chúng được nghe bài này, không phải do Quy Nghiêm hát mà từ giọng hát của ba sư em là Trăng Tường Thanh, Trăng Phú Xuân và Trăng Quang Chiếu ở Thái Lan. Đó là một bài kệ của các thiền sư trong thiền môn:
“Tây phương không xa cách
Tây phương trước mặt người
Ngàn sông về biển lớn
Trăng lặn vẫn bầu trời
Chén thơm trà Hương Tích
Bình ngát cơm Pháp Vân
Phương trượng hiện thiền duyệt
Xa mấy cũng thành gần
Tuy an nhiên ngồi đó
Nhưng lặng lẽ âm thầm
Dù biết sinh tử huyễn
Ly biệt vẫn thương tâm.”
BBT: Thưa Sư cô, chúng con từng nghe Sư cô làm thơ nhiều, chúng con cũng muốn học hỏi thêm về nghệ thuật làm thơ từ Sư cô.
Như Sư Ông nói, nghệ thuật nằm trong sự sống của mình. Mình sống và cảm nó rồi tự nhiên nó ra. Cho nên Quy Nghiêm ít để ý đến kỹ thuật lắm. Có một thời gian Sư Ông dạy làm thơ, cũng theo luật trắc bằng. Rồi Sư Ông nói cứ để cảm xúc của mình tự diễn bày chứ mình không cần phải ép. Giống như thơ của sư cô Hội Nghiêm vậy, Quy Nghiêm thật là phục. Còn thơ của Quy Nghiêm, khi nào nó ra thì cho nó ra, chứ không phải suy nghĩ chi hết.
Có những bài hát, Sư Ông dạy mình làm thì tự nhiên nó ra như bài Mặt trời như trái tim đỏ tươi hay là bài Ý thức em mặt trời tỏ rạng. Hồi đó ở xóm Hạ, mỗi sáng nhìn mặt trời lên đẹp lắm. Và mình cũng bị ảnh hưởng khi đọc quyển Trái tim mặt trời của Sư Ông. Mình cho tàng thức những dữ liệu nó cần bằng sự tu học thật của mình, tàng thức sẽ giúp mình giữ lại, khi cần thì sẽ biểu hiện, hay lắm. Giống như người Nhật làm thơ Haiku, họ thấy cái gì thì tả cái đó, ngắn gọn nhưng chân thật.
Các sư em biết không? Sư cô Chân Đức học tiếng Việt là do Sư Ông dạy Sư cô phải hát. Vì toàn hát bằng tiếng Việt nên từ đó Sư cô rất giỏi tiếng Việt. Thế nên, các em chỉ cần hát thiền ca bằng tiếng Pháp cho nhiều rồi học tiếng Pháp sẽ khá. Hồi đó, sư cô Chân Đức cũng bị bắt làm mấy bài hát như “Breathe, you are alive”. Mình phải tiếp nối Sư Ông.
Sư Ông muốn tất cả đệ tử của mình là những tu sĩ đích thực và đồng thời cũng là nhà nghệ sĩ, một chiến sĩ. Bi, trí, dũng và chân, thiện, mỹ phải đi cùng với nhau. Thế nên trong đời sống xuất sĩ, chúng ta phải biết làm sao để giữ gìn chất tu của mình, đồng thời phát triển chất tu đó cho thanh thoát như một nghệ sĩ mà không cứng nhắc, không giáo điều.
Với tinh thần của một chiến sĩ, phải biết trang bị cho tự thân nhiều phương tiện để vượt qua những khó khăn, vượt thắng chính mình. Chiến thắng chính mình mới là vinh quang. Tất cả những khó khăn mình gặp, những trở ngại đến từ hoàn cảnh đều là những cơ hội để ta rút thanh gươm trí tuệ của mình ra, chứ còn thuận lợi và được ôm ấp quá, ta sẽ mềm như cọng bún. Cho nên các sư em ở trong điều kiện càng thuận lợi thì phải càng thận trọng. Mỗi người phải tự thắp sáng ý thức chánh niệm chứ không ai giúp ta được. Giữa bao nhiêu tiêu cực nếu ta vẫn giữ được ánh sáng đó thì những tiêu cực khó ảnh hưởng đến ta. Giữa những thử thách mà ta vẫn giữ mình được, đi trọn vẹn con đường thì mới đích thực là con của Bụt, con của Sư Ông. Cho nên đừng sợ những khó khăn, trở ngại. Đó là những cơ hội để ta trở nên cứng cáp, vững vàng hơn và trở thành một chiến sĩ đích thực. Sư Ông, Sư cô Chân Không là tấm gương của những chiến sĩ. Chúng ta là người tiếp nối thì phải vững vàng tay kiếm, đừng coi thường bước chân, hơi thở của mình.
Chúng ta biết rằng Bụt là một tu sĩ, một nghệ sĩ và cũng là một chiến sĩ. Vì Bụt như vậy cho nên học trò của Bụt cũng như vậy. Sư Ông là một người tu đồng thời cũng là một nghệ sĩ và là một chiến sĩ. Và chắc hẳn Sư Ông cũng muốn học trò của Sư Ông tiếp tục đi theo dòng chảy mà Bụt đã trao truyền.